PHÂN BIỆT NÁM DA DO RỐI LOẠN NỘI TIẾT TỐ SO VỚI NÁM DA THÔNG THƯỜNG
1. NÁM DA DO RỐI LOAN NỘI TIẾT
Hình thái: Nám da nội tiết thường xuất hiện dưới dạng các đốm nâu đậm màu, soi đèn có thể thấy các điểm trung tâm tập trung nhiều tế bào sắc tố hơn, đậm màu. Kích thước các đốm nám không đều nhau, to nhỏ xen lẫn.
Vị trí: Nám chân sâu thường xuất hiện chủ yếu đối xứng hai bên gò má, đôi khi xuất hiện ở vùng thái dương, trán hay cánh tay, hiếm khi có ở các vùng khác trên cơ thể. Nám chân sâu không điều trị có thể bị lan tỏa nhanh chóng sang các vị trí lân cận.
Nám nội tiết trên lâm sàng có thể kèm theo một số biểu hiện của rối loạn nội tiết như: rối loạn kinh nguyệt, rối loạn giấc ngủ, mệt mỏi kém ăn. mọc mụn...
Mức độ mọc nám trên da có thể cảnh báo tình trạng rối loạn nội tiết trong cơ thể
Bởi nguyên do nào đó gây giảm estrogen trong cơ thể, không ức chế được MSH, lúc này lượng tế bào hắc sắc tố melanin được sản xuất không kiểm soát rồi đẩy dần lên trên bề mặt da hình thành nên nám và các vấn đề sắc tố khác như tàn nhang, đồi mồi...
Hoặc một số nguyên nhân sau:
Phụ nữ giai đoạn tiền mãn kinh, mãn kinh.
Phụ nữ có thai, sau khi sinh con.
Do dùng thuốc tránh thai đặc biệt là thuốc tránh thai có chứa progestin, nám có thể xuất hiện ngay trong giai đoạn đang dùng thuốc hoặc sau khi dùng thuốc 2 - 3 tháng.
Các trường hợp bị rối loạn kinh nguyệt đôi khi cũng có thể gây nên nám da.
Stress, căng thẳng trong một thời gian dài làm ảnh hưởng đến sự hoạt động của não bộ cũng sẽ dẫn tới rối loạn sự sản xuất estrogen và một số hormone khác tạo điều kiện thuận lợi hình thành nám.
2. NÁM DA THÔNG THƯỜNG
Hình thái: Khác với nám chân sâu, nám da thông thường biểu hiện dưới dạng nám mảng. Các tế bào hắc sắc tố melanin không mọc tập trung theo từng điểm mà mọc rải rác trên bề mặt da tụ lại thành các đám lớn, ranh giới đôi khi không rõ ràng với vùng da lành.
Vị trí: Tương tự như nám chân sâu, nám da thông thường chủ yếu xuất hiện ở hai bên gò má, trán, thái dương và đôi khi xuất hiện cả ở cánh tay (ít gặp).
Ở nám da thông thường không có kèm theo biểu hiện của các rối loạn nội tiết trong cơ thể. Có một số bệnh cảnh phối hợp vẫn có thể thấy triệu chứng của rối loạn nhưng không nhiều.
Khác với nám nội tiết, nám da thông thường xuất hiện chủ yếu do các tác nhân từ bên ngoài cơ thể mà chủ yếu là do cách chăm sóc bảo vệ da của mỗi người. Các yếu tố làm tăng nguy cơ xuất hiện nám thông thường bao gồm:
Ánh nắng mặt trời hay các ánh sáng xanh chứa tia UV: Bản chất của melanin là sinh ra để bảo vệ da. Khi da tiếp xúc với tia cực tím, theo phản xạ bảo vệ cơ thể sẽ tăng tiết melanin đẩy lên bề mặt da. Các tế bào hắc sắc tố này sẽ hấp thụ tia UV chuyển hóa năng lượng và làm giảm tác động của tia cực tím lên da. Melanin được sản sinh càng nhiều thì sự bảo vệ da càng tốt nhưng ngược lại, do sự tâm trung quá nhiều hắc sắc tố để tạo thành hàng rào bảo vệ da thì lại khiến cho da bị sạm đi. Đó là lý do giải thích vì sao ra nắng mà không có bảo vệ lại hình thành nên nám.
Chăm sóc da không đúng cách, sử dụng các loại mỹ phẩm kém chất lượng, điều trị chăm sóc da sai phương pháp, dùng quá nhiều các hình thức lột tẩy da.
Ô nhiễm môi trường không phải là yếu tố trực tiếp gây ra nám nhưng là điều tất yếu khiến cho tình trạng nám ở chị em phụ nữ ngày càng nặng hơn.
Nám mảng hay nám chân sâu, nám da thông thường hay nám da nội tiết, tuy không có hại cho sức khỏe, không gây nguy cơ đến tính mạng nhưng lại ảnh hưởng nhiều đến thẩm mỹ khuôn mặt, tạo cảm giác tự ti cho người bị mà đặc biệt là ở các chị em phụ nữ. Nám không quá khó điều trị nếu như lựa chọn đúng phương pháp điều trị và biết chăm sóc bảo vệ da đúng cách.